TRUY THU THUẾ SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Chủ sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cho cơ quan thuế:

Theo Khoản 7 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP bổ sung khoản 8 Điều 27 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, chủ sở hữu sàn thương mại điện tử tại Việt Nam phải cung cấp các thông tin sau cho cơ quan thuế:

  • Tên người bán hàng.
  • Mã số thuế hoặc số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
  • Địa chỉ.
  • Số điện thoại liên lạc.
  • Doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.

Việc cung cấp thông tin này được thực hiện định kỳ hằng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.

Các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan thuế:

Điều 27 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định, các đối tượng sau phải cung cấp thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân cho cơ quan thuế khi có yêu cầu bằng văn bản:

  • Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, dịch vụ kế toán.
  • Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu; người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế.
  • Công ty kiểm toán độc lập.
  • Các tổ chức, cá nhân là đối tác kinh doanh hoặc khách hàng của người nộp thuế.
  • Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
  • Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập.
  • Cơ quan có thẩm quyền trước khi bán đấu giá hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế.
  • Các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật liên quan.

Thông tin này phải được cung cấp chậm nhất trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

Kinh doanh thương mại điện tử phải nộp những loại thuế gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, hoạt động thương mại điện tử bao gồm việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Đối với tổ chức trong nước:

  • Lệ phí môn bài.
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:

  • Thuế GTGT.
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
  • Lệ phí môn bài nếu có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng.

Đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam:

  • Nhà cung cấp ở nước ngoài phải trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Phương thức kê khai và nộp thuế hoạt động thương mại điện tử

Chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử:

  • Thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế.
  • Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay, phải cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân qua sàn giao dịch theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Hồ sơ kê khai thuế:

  • Hồ sơ khai thuế tháng, quý đối với tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân.
  • Phụ lục Bảng kê chi tiết hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01-1/BK-CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Số thuế phải nộp từ hoạt động thương mại điện tử:

  • Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT.
  • Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.

Doanh thu tính thuế bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế, kể cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *