Căn cứ theo Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC), quy định về người nộp thuế như sau:
Nội dung bài viết
=> Thông tư 111-2013-TT-BTC
Người nộp thuế
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65-2013-NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.
Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế
- Đối với cá nhân cư trú: Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
- Đối với cá nhân không cư trú: Thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
Đối tượng chịu thuế GTGT
Theo Điều 2 Thông tư 219-2013-TT-BTC, đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 219-2013-TT-BTC.
Đối tượng áp dụng Thông tư 40/2021/TT-BTC
Theo Điều 2 Thông tư_40-2021-TT-BTC, đối tượng áp dụng bao gồm:
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: Là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động thương mại điện tử: Bao gồm cả cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
Từ các quy định trên, có thể kết luận rằng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nội dung thông tin số (video) được tiêu dùng tại Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam, thu nhập chịu thuế TNCN là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi chi trả thu nhập.
Tiktoker, Youtuber có phải đóng thuế?
Cá nhân là Tiktoker hoặc Youtuber có thu nhập trên nền tảng YouTube, TikTok (thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số) phải khai, nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định. Cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn phương pháp tính thuế theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC hoặc Điều 6 Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Ngưỡng thu nhập phải đóng thuế
Theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Nếu doanh thu vượt trên 100 triệu đồng, cá nhân phải đóng thuế.
Công thức tính thuế
Căn cứ Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC, mức đóng thuế GTGT và thuế TNCN được tính như sau:
- Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
- Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
- Doanh thu tính thuế GTGT và TNCN bao gồm:
- Toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định;
- Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Tỷ lệ thuế GTGT và TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cá nhân làm Tiktoker hoặc Youtuber tại Việt Nam có tổng doanh thu trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở lên phải đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.