Nội dung bài viết
Mức đóng BHXH theo lương tối thiểu mới phải được điều chỉnh trước ngày 25/7/2024 theo BHXH Hà Nội?
=> TẢI VỀ: Nghị định-74-2024-NĐ-CP
Vào ngày 04/07/2024, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã ban hành Công văn 3035/BHXH-TST về mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu từ ngày 01/7/2024.
Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở làm căn cứ tính mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 2,34 triệu đồng. Đối với người lao động tại các doanh nghiệp, mức lương tối thiểu tháng áp dụng kể từ ngày 01/7/2024 được điều chỉnh tăng theo Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP như sau:
- Vùng 1: 4.960.000 đồng
- Vùng 2: 4.410.000 đồng
- Vùng 3: 3.860.000 đồng
- Vùng 4: 3.450.000 đồng
Doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát lại các chế độ trả lương trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định nội bộ để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với mức lương tối thiểu mới. Đối với các thỏa thuận, cam kết trả lương có lợi hơn cho người lao động (như: trả cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu đối với công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề; trả cao hơn ít nhất 5% đối với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trả cao hơn ít nhất 7% đối với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Chậm nhất trước ngày 25/7/2024, doanh nghiệp phải lập danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo mẫu D02-LT gửi cho cơ quan BHXH để điều chỉnh tăng mức đóng BHXH theo mức lương tối thiểu mới. Quá thời hạn này, nếu doanh nghiệp chưa có đề nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu thì phía cơ quan BHXH sẽ tạm thời tự điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN bằng với mức lương tối thiểu mới.
=> TẢI VỀ: mau-bao-cao-tinh-hinh-su-dung-lao-dong-va-danh-sach-dong-BH_2008142440
Trường hợp doanh nghiệp kê khai điều chỉnh tăng lương muộn, doanh nghiệp phải nộp tiền lãi chậm nộp theo quy định của pháp luật.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Căn cứ Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
- Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Các khoản tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định: Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn: Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
- Người lao động thuộc đối tượng theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
=> XEM CHI TIẾT: Luật BHXH-58-2024-QH13
Như vậy, những khoản tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
- Mức lương cơ sở đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
- Mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đối với người lao động thuộc đối tượng theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
=> Xem thêm: HỢP ĐỒNG CỘNG TÁC VIÊN KHÔNG ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI
=> Xem thêm: HƯỚNG DẪN HỒ SƠ, THỦ TỤC HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP ONLINE